TTHQ™
- Tiếng Hàn có hai từ đều mang nghĩa "sợ hãi: là "무섭다" và "두렵다". Từ tiếng tiếng Anh Daum diễn giải hai từ này như sau:
- <strong> </strong>
- 무섭다: 1 scary, frightening 2 afraid, frightened
- 두렵다: fearful, afraid
Đại từ điển tiêu chuẩn tiếng Hàn <표준국어대사전> lại dùng "무섭다" để diễn giải cho "두렵다" và ngược lại, dùng"두렵다" để giải nghĩa cho "무섭다".
Tại sao người Hàn Quốc lại cần tới hai từ thuần Hàn để diễn tả cho cùng một nghĩa "sợ hãi"?
Để phân biệt sắc thái của hai từ này, chúng ta hãy cùng nghe lại câu chuyện dân gian của Hàn Quốc <호랑이와 곶감> (Hổ và trái hồng khô) nhé!
Có một con hổ đói, buổi tối nó mò xuống làng và dừng lại trước cửa một nhà nọ. Hổ nghe thấy tiếng người mẹ dỗ dành đứa trẻ đang khóc trong nhà: "Con nín đi không hổ đến ăn thịt đấy". Thấy đứa trẻ vẫn không chịu nín khóc, lần này người mẹ lại bảo: "곶감 봐라. 울지 말아라." (Con nhìn trái hồng khô đi. Đừng khóc nữa!). Lần này thì đứa trẻ liền nín bặt. Con hổ ngoài cửa chột dạ nghĩ nghĩ "곶감" hẳn phải là "kẻ" mạnh và đáng sợ hơn cả mình nên mới khiến cho đứa trẻ nín khóc nhanh như vậy. Hổ sợ nên lặng lẳng quay đầu chạy thẳng về rừng.
Đọc truyện này, tất cả chúng ta đều cười con hổ ngu ngốc đi sợ cả trái hồng khô. Nhưng đó là do con người chúng ta đều đã nhìn và biết "곶감" là trái hồng khô. Còn với con hổ, nó chỉ đoán biết và tưởng tượng về sự tồn tại của "곶감" thông qua tiếng khóc của đứa trẻ. Nỗi sợ hãi của con hổ phát sinh không từ bản chất, hình dạng của "곶감" mà do niềm tin "곶감" là "kẻ" mạnh và còn có quyền lực hơn cả bản thân nó. Trong trường hợp này, khi muốn nói "Con hổ sợ trái hồng" tiếng Hàn sẽ dùng biểu hiện "두렵다".
Ngược lại trong trường hợp sau:
저 개가 낯선 사람들을 보고 짖을 땐 아주 무섭다
Con chó kia rất đáng sợ khi sủa người lạ
Con chó kia rất đáng sợ khi sủa người lạ
Nếu dùng "두렵다" thì biểu hiện sẽ trở nên thiếu tự nhiên. Bởi "무섭다" miêu tả cho nỗi sợ xuất phát từ bản chất, tính chất của đối tượng được nói đến. Chủ thể (người nói) sợ con chó bởi tiếng sủa, sự dữ tợn và khả năng gây nguy hiểm cho con người của nó. Cũng giống như khi xem phim ma, phim kinh dị, các bạn có thể cảm thấy sợ (두렵다) nhưng không thể diễn tả "두려운 영화" mà phải dùng "무서운 영화".
Để phân biệt "무섭다" hay "두렵다" chúng ta còn có thể dựa vào đối tượng được nói đến trong câu. Như phân tích ở trên, nguyên nhân phát sinh nỗi sợ "두렵다" mang tính chất chủ quan, nằm trong bản thân suy nghĩ, tâm lí của chủ thể (người nói) còn nguyên nhân của sự sợ hãi "무섭다" lại mang tính chất khách quan, phụ thuộc vào bản chất của đối tượng được nói đến. Do đó, đối tượng của "두렵다" mang tính trừu tượng mơ hồ; đối tượng của "무섭다" lại cụ thể, rõ ràng.
Chúng ta hãy cũng phân tích các ví dụ sau:
*) 두렵다
1. 여인은 밤에 혼자 있기가 두려웠다.
Con gái đi đêm một mình rất sợ.
Con gái đi đêm một mình rất sợ.
2. 시험 날짜가 다가올수록 그는 두렵고 초조했다.
Gần đến ngày thi anh ta càng bồn chồn, lo lắng
Gần đến ngày thi anh ta càng bồn chồn, lo lắng
3. 혹시 사고라도 나지 않을까 두렵다.
Tôi sợ nhỡ đâu xảy ra tai nạn.
Tôi sợ nhỡ đâu xảy ra tai nạn.
4. 무슨 일이든 처음 시작할 때는 두렵기 마련이다.
Việc gì khi mới bắt đầu cũng đều khiến lo lắng.
Việc gì khi mới bắt đầu cũng đều khiến lo lắng.
Qua các ví dụ trên ta có thể thấy, những nỗi sợ đều phát sinh từ sự bất an, lo lắng trong thâm tâm chủ thể trước các sự việc chưa xảy ra trong thực tế. Vì vậy, "두렵다" diễn tả suy nghĩ, những "dự cảm", phán đoán của con người trước biến cố cuộc sống. Ở điểm này, biểu hiện "두렵다" rất gần gũi với biểu hiện "겁나다".
*) 무섭다
1. 인적이 끊긴 밤길을 혼자 걸으려니 너무 무서웠다.
Đi trên đường vắng bóng người nên (tôi) rất sợ.
Đi trên đường vắng bóng người nên (tôi) rất sợ.
2. 나는 어려서부터 물이 무서웠다.
Từ hồi nhỏ tôi đã sợ nước.
Từ hồi nhỏ tôi đã sợ nước.
3. 무서운 꿈
Giấc mơ đáng sợ
Giấc mơ đáng sợ
4. 무서운 생각
Suy nghĩ đáng sợ.
Suy nghĩ đáng sợ.
Trong câu "인적이 끊긴 밤길을 혼자 걸으려니 너무 무서웠다" nếu thay "무서웠다" bằng "두려웠다" thì câu văn sẽ trở nên gượng gạo. Cùng là một nội dung "đi đường ban đêm rất sợ" nhưng ví dụ này lại miêu tả một cách cụ thể hoàn cảnh: con đường tối, không có người đi lại… Như vậy, "무섭다" dùng khi chúng ta biết rõ và có thể miêu tả, hình dung cụ thể đối tượng "sợ hãi" mà mình muốn biểu đạt.
Ngoài ra, nếu như "두렵다" hay được dùng nhiều trong văn viết thì "무섭다" lại được dùng nhiều hơn trong văn nói, đời sống hàng ngày. Đặc biệt, "무섭다" gắn với những nỗi sợ hãi mang tính "phản xạ có điều kiện" và phát sinh tại ngay thời điểm khi biến cố, sự việc xảy ra; đi kèm với sắc thái bất ngờ, ngạc nhiên. Khi đang đi dạo trong rừng mà gặp một con sư tử xuất hiện bạn sẽ kêu lên thế nào? Chúng ta có thể nói: "아이, 무서워!" (Ôi, sợ quá!) nhưng không thể nói "아이, 두러워!". Tiếng Hàn có dùng cấu trúc "-기가 무섭게" để khẳng định hay nhấn mạnh một hiện tượng khác thường. Ví dụ: "그 책은 출판되기가 무섭게 날개 돋친 듯 팔려 나갔다" (Cuốn sách đó mới xuất bản mà đã bán chạy như mọc cánh).
Để theo dõi đầy đủ sự khác nhau của "무섭다" hay "두렵다" mời các bạn theo dõi bảng tóm tắt sau:
두렵다 | 무섭다 |
---|---|
Nguyên nhân của nỗi sợ hãi nằm bên trong chủ thể | Nguyên nhân của nỗi sợ hãi nằm bên ngoài chủ thể, do bản chất của sự vật (đối tượng) |
Đối tượng của nỗi sợ mang tính chất trừu tượng, mơ hồ | Đối tượng của nỗi sợ cụ thể, rõ ràng |
Nỗi sợ phi trực tiếp. | Nỗi sợ trực tiếp, ngay tức thì |
Dùng trong văn viết, mang tính hình thức | Dùng trong văn nói, gần gũi |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét