Pages

Pages - Menu

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Bài 12: Thói quen sẽ hình thành số phận - "버릇" hay "습관"?

Bài 12: Thói quen sẽ hình thành số phận - "버릇" hay "습관"?


Chào các bạn! Thế là mùa thu đã trôi qua và chúng ta lại "rậm rịch" áo ấm để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá sắp tới. Các bạn thấy mùa đông ở Hàn Quốc thế nào? Còn tôi, tôi không thấy mùa đông lãng mạn với tuyết rơi trắng xóa, lung linh như trong phim "Bản tình ca mùa đông" mà vô cùng khổ sở với cái lạnh âm độ cắt da cắt thịt mỗi buổi sáng. Bởi vào mùa đông "나는 늦게 자고 늦게 일어나는 버릇(습관)이 있다" (Tôi có thói quen ngủ muộn và dậy muộn).

Các bạn có thể thấy trong tiếng Hàn, "버릇" và "습관" đều dùng để chỉ các thói quen (habit). Vậy trong trường hợp này, ta phải dùng từ nào cho chính xác?
Người Hàn Quốc có câu thành ngữ: "세 살 적 버릇 여든까지 간다" (Tật xấu lúc 3 tuổi sẽ theo người ta tận đến khi 80 tuổi). Việt Nam cũng có câu thành ngữ tương tự là: "Giang sơn khó đổi, Bản tính khó dời" hoặc "Đánh chết cái nết không chừa". Trong trường hợp phủ định và phê phán những "thói hư tật xấu" tiếng Hàn sẽ dùng từ "버릇". Không có "좋은 버릇" (thói tốt) mà thường là "좋지 못한 버릇" (thói xấu), bởi thế "버릇" luôn luôn đi kèm với các biểu hiện mang sắc thái phủ định, tiêu cực như:
제 버릇 개 못 준다.
Tật quen khó sửa.
그는 틈만 나면 손톱을 깨무는 버릇이 있다.
Anh ta cứ hở ra là lại có tật gặm móng tay.
저 친구는 술만 먹으면 우는 버릇이 있다.
Bạn ấy chỉ cần uống rượu vào lại có tật khóc nhè.
Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy của "버릇" là biểu hiện này luôn đi kèm với những hoạt động liên quan đến cơ thể, những hành vi phản xạ mang tính cơ học được hình thành một cách vô thức, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người:
그는 눈을 깜빡거리는 버릇이 있다
Anh ta có tật nháy mắt
내 질문에 그는 버릇처럼 자기 뺨을 이루만졌다.
Trước câu hỏi của tôi, anh ta sờ lên má như một thói quen.
Ngoài ra, trong đời sống hàng ngày, khi chủ thể (người nói) miêu tả về những thói quen của mình (dù là không có hại), để thể hiện sự khiêm tốn cũng có thể dùng từ "버릇".
저는 모르는 게 있으면 바로 묻는 버릇이 있어요.
Tôi có thói quen không biết gì thì sẽ hỏi ngay.
Bên cạnh đó, "버릇" còn mang nghĩa là những nghi lễ khi đối xử với người lớn tuổi. Khi cư xử vô lễ, mất lịch sự, ta thường nghe phê phán "버릇이 없다" (Mất nết), "버릇이 나쁘다"(Xấu tính). Và để sửa lại thái độ, cần "버릇을 고친다" (Sửa tật xấu). Lúc này, "버릇" còn được gọi theo cách khác là 버르장머리, 버르장머리 없다, 버르장머리를 고친다.
Ngược lại với "버릇", "습관" là những "thói quen" xuất phát từ nhận thức, chủ đích của chủ thể và phải trải qua quá trình học hành, luyện tập mà có. Nếu phân tích tỉ mỉ ra tiếng Hán, "습" có nghĩa là "tập" (習), "관" có nghĩa là "quán" (慣), tức những thói quen do luyện tập nhiều mà thành. Đó là những thói quen mang nghĩa khẳng định tích cực như "식사 습관" (thói quen ăn uống), "생활 습관" (thói quen sinh hoạt), "공부 습관" (thói quen học tập), "독서 습관" (thói quen đọc sách).
Bởi vậy, khi chỉ những thói quen không tốt, ta không nói "못된 습관" mà nói "못된 버릇", không nói "할일을 미루는 습관" mà nói "할일을 미루는 버릇" (Tật trì hoãn những việc phải làm) . Ngược lại, biểu hiện "메모하는 버릇" sẽ rất "ngang tai", "메모하는 습관" (Thói quen ghi nhớ) nghe sẽ chính xác và tự nhiên hơn.
Như vậy, với câu "Tôi có thói quen ngủ muốn và dậy muộn" chúng ta phải dùng "나는 늦게 자고 늦게 일어나는 버릇이 있다", bởi đó hoàn toàn là một thói quen không tốt, phải không? Với những tật xấu dù nhỏ hay lớn, nếu chúng ta chủ quan và coi thường sẽ rất khó sửa chữa về sau. Có những lời khuyên rất hay là:
- Hãy chú ý đến suy nghĩ của bạn, chúng sẽ trở thành lời nói.
- Hãy chú ý đến lời nói của bạn, chúng sẽ trở thành hành động.
- Hãy chú ý đến hành động của bạn, chúng sẽ trở thành thói quen.
- Hãy chú ý đến thói quen của bạn, chúng sẽ trở thành tính cách.
- Hãy chú ý đến tính cách của bạn, chúng sẽ trở thành số phận của bạn!
Từ suy nghĩ, lời nói, hành động, thói quen sẽ hình thành nên tính cách của một cá nhân. Và số phận của mỗi cá nhân không do ai khác mà do chính bản thân người đó quyết định.
Bởi thế, bạn nào còn ngủ muộn và dậy muộn như tôi, từ ngày mai chúng ta hãy "일찍 자고 일찍 일어나는 습관을 기르자!"- hình thành thói quen ngủ sớm và dậy sớm nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét