Breaking News
Loading...
Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Bài 4: Tìm hiểu về "시집간다", "장가간다" và quan niệm về hôn nhân của người Hàn Quốc

18:16
Bài 4: Tìm hiểu về "시집간다", "장가간다" và quan niệm về hôn nhân của người Hàn Quốc


Trong tiếng Hàn, ngoài từ kết hôn (결혼) là có nguồn gốc từ tiếng Hán (結婚) giống như tiếng Việt thì có hai từ thuần Hàn là “시집간다” (lấy chồng), “장가간다” (lấy vợ). Thông qua việc phân tích rõ hơn hai từ này, ta có thể hiểu biết thêm về quan niệm hôn nhân của người Hàn Quốc.

Trong tiếng Anh, kết hôn được biểu hiện bằng từ “wed” với nghĩa cơ bản là “lời hứa”“sự cam kết”. Người phương Tây quan niệm việc lập gia đình là lời hứa, là quy ước giữa hai bên nam nữ , rõ ràng và rành mạch như việc kí hợp đồng giao dịch mua bán.
Trong tiếng Hàn, “시집간다” dịch nôm na sang tiếng Việt là“lấy chồng”. Nhưng trong câu “시집간다” hoàn toàn không xuất hiện chồng mà là “시집” – gia đình nhà chồng (남편의 집). Như vậy, trong từ “시집간다”, người con gái không phải đến để sống cùng chồng mà là sống cùng gia đình nhà chồng.
Tương tự, trong câu “장가간다”, “장가” là nhà của bố vợ, mẹ vợ (장인 장모의 집, 처가). Từ thời Goguryo, người Hàn Quốc đã có phong tục trước khi lấy vợ, người con trai phải đến sống ở nhà người con gái. Sau một thời gian phụng dưỡng bố mẹ vợ và sinh được đứa con đầu lòng thì lúc đó người con trai mới được đón vợ về nhà mình.
Qua sự phân tích này có thể thấy với người Hàn Quốc, kết hôn không phải là sự kết hợp nam nữ 1:1 theo kiểu phương Tây mà là sự kết hợp của hai gia đình, thậm chí là hai dòng họ. Quan niệm này chịu ảnh hưởng rõ nét của thuyết giáo “trọng nam khinh nữ” trong đạo Khổng. Xã hội phong kiến xưa không chấp nhận sự tồn tại của con người cá nhân mà ghép họ vào trong những mối dây liên hệ quân - thần, phụ - tử, phu - phụ. Người đàn ông bản thân họ đã là tượng trưng cho khái niệm gia đình. Còn người phụ nữ ngay từ lúc sinh ra đã bị trói buộc trong thuyết tam tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, khi chồng chết thì theo con trai). Bởi vậy, khi lấy chồng người phụ nữ không những không được hình thành một mối quan hệ độc lập của một người trưởng thành mà còn phải chấp nhận một thử thách mới: “시집살림” (cuộc sống làm dâu). Cuộc sống làm dâu của các cô dâu Hàn Quốc trong xã hội phong kiến xưa chẳng khác là bao so với những cô dâu Việt Nam, cũng là nước mắt, tủi hờn và những dồn nén không thể thổ lộ cùng ai. Nổi bật lên trong đó là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đầy nặng nề và thành kiến. Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng dành hẳn một “mảng” để nói về chủ đề “không bao giờ cũ” này:
“Mẹ chồng nàng dâu/Chủ nhà, người ở yêu nhau bao giờ”
“Mẹ chồng đối với nàng dâu/ Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ”.
Trái ngược với các nước châu Á, ở các nước châu Âu thì mối quan hệ giữa “con rể” và “mẹ vợ” mới là mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Trong truyện tranh nổi tiếng của phương Tây có xuất hiện cảnh chàng cầu thủ đấm bốc đang luyện tập trên khán đài, những chàng trai xung quanh cổ vũ bằng cách hét lớn: “Đánh mạnh nữa lên. Hãy tưởng tượng cái bao cát kia là mặt mẹ vợ cậu đi!” Tại sao chàng rể phương Tây không yêu quý mẹ vợ? Bởi mẹ vợ là người luôn can thiệp vào cuộc sống gia đình riêng tư của hai vợ chồng sau khi đã kết hôn. Mối mâu thuẫn này cũng là một hình thức phản kháng đòi tiếng nói tự do, quyền làm chủ, quyền quyết định trong hôn nhân của người phương Tây.
Trong xã hội hiện đại Hàn Quốc cũng như Việt Nam hiện nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không còn căng thẳng và quyết liệt như thời phong kiến. Nhưng tấm màn bao phủ của Nho giáo vẫn chưa hoàn toàn được gỡ bỏ và những cô con dâu Châu Á khi kết hôn, dù ít hay nhiều vẫn phải gánh lấy trách nhiệm lo toan, vun vén và thận trọng trong quan hệ với các thành viên trong gia đình nhà chồng. Vậy theo các bạn, làm thế nào để dung hòa được những quan niệm cũ - mới về hôn nhân, gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer