Breaking News
Loading...
Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Bài 3: Các quán ngữ liên quan đến "눈" (mắt) và "눈치" – Văn hóa ứng xử trong xã hội Hàn Quốc

18:15
Bài 3: Các quán ngữ liên quan đến "눈" (mắt) và "눈치" – Văn hóa ứng xử trong xã hội Hàn Quốc


Trên cơ thể con người, mắt được coi là bộ phận quan trọng nhất. Mắt vừa là cơ quan thị giác giúp con người quan sát và cảm nhận thế giới, vừa là “cửa sổ tâm hồn” giúp con người biểu lộ cảm xúc và tương tác với vũ trụ, đồng loại xung quanh. Cũng bởi vậy mà những thành ngữ, quán ngữ liên quan đến mắt nhiều nhất so với các bộ phận khác trên cơ thể con người.

Trong tiếng Hàn, “눈” được dùng với các trường nghĩa như sau:
- Cơ quan thị giác của con người
- Thị lực
- Sức mạnh phán đoán sự vật của một người
- Sự chú ý
- “Mắt bão”
- Đèn pha phía trước của các phương tiện giao thông (như xe hơi).
Xét về chức năng biểu hiện, các quán ngữ liên quan đến “눈” được phân loại theo các chức năng sau đây:
  1. Sự quan tâm: 눈과 귀를 한데 모으다 (“Tai và mắt họp lại một chỗ” - Thể hiện sự tập trung cao độ)
    눈길을 끌다 (모으다) (Lôi kéo ánh mắt, sự chú ý)
    눈을 돌리다 (Đảo mắt)
    눈을 멈추다 (Dừng ánh mắt lại, ở đâu đó)
    눈을 반짝이다 (Mắt sáng lấp lánh)
    눈이 팔리다 (“Bán mắt”- Mất tập trung, mất chú ý)
  2. Sự chú ý: 눈 (알) 이 나오다 (Con ngươi nhô ra ngoài)
    눈이 돌다 (Đảo mắt)
    눈이 번쩍하다 (Trợn mắt)
  3. Sự ghen ghét: 눈꼴이 시다 / 눈꼴이 사납다 (Ghê tởm, kinh tởm)
    눈 밖에 나다 (Mất cảm tình)
    눈에 거슬리다 (Chướng mắt)
    눈총을 맞다 (Gặp ánh mắt hình viên đạn)
    눈총을 주다 (Đưa ánh mắt hình viên đạn)
  4. Sự cảm kích: 눈물이 나다 (Chảy nước mắt)
    눈시울을 붉히다 (Mắt đỏ mọng vì khóc)
    눈시울이 뜨거워지다 (Giọt nước mắt nóng hổi)
  5. Sự đau buồn: 눈물이 앞을 가리다 (Nước mắt che phía trước mặt)
    눈물이 핑 돌다 (Nước mắt chảy vòng quanh)
  6. Sự bất mãn: 눈살을 찌푸리다 (Cau mày, nhăn mặt)
    눈을 치켜 뜨다 / 눈을 흘기다 (Lườm, liếc ai đó một cách ngờ vực)
  7. Sự phẫn nộ: 눈을 / 눈을 부라리다 부릅뜨다 (Nhìn trừng trừng, giận dữ)
    눈에서 불이 나다 (“Lửa phát ra từ trong mắt”- Nhìn một cách căm phẫn)
    눈이 뒤집히다 (“Mắt hoa lên”- Giận đến mức mất kiểm soát, lí trí)
  8. Hài lòng: 눈에 들다 / 눈에 차다 (Vừa mắt, vừa lòng, thỏa ý)
  9. Choáng ngợp: 눈이 부시다 (Chói mắt) / 눈 허리가 시다 (Rơm rớm nước mắt)
  10. Tham vọng: 눈이 헛거미가 잡히다 / 눈이 멀다/ 눈이 어둡다(Bị tính tham lam che mắt, không nhìn thấy phía trước)
  11. Một số biểu hiện khác như:
    눈 코 뜰 새가 없다 (Bận tối mắt tối mũi)
    눈을 감다 (죽다) ( Nhắm mắt – Chết)
    눈을 붙이다 (Chợp mắt chốc lát)
    눈을 주다 (Đưa mắt – giao hẹn, hẹn ước)
    눈이 맞다 (Sự hòa hợp, thấu hiểu trong tình yêu nam nữ)
    눈 깜짝할 사이 (Trong chớp mắt, nháy mắt)
Ngoài những quán ngữ trên, chúng tôi còn muốn giới thiệu một cách biểu hiện thú vị liên quan đến mắt: “눈치 보다”. “눈치” dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “sense”, nó vừa có nghĩa là giác quan, vừa có nghĩa là khả năng phán đoán, sự khôn ngoan, thông minh. “눈치” không dừng lại ở đơn vị từ vựng mà còn được nâng lên thành văn hóa “đối nhân xử thế” trong xã hội Hàn Quốc. Có câu thành ngữ rằng: “Chỉ cần biết đối nhân xử thế thì ở chùa cũng có thể nhận được mắm tôm ăn”.
Dân tộc Hàn Quốc từ rất xưa, trong quá trình phát triển đã hình thành một cách tự nhiên văn hóa “ứng xử” giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể. Sự khôn ngoan khéo léo nhiều khi còn quyết định số phận của con người. Trong chế độ phong kiến xưa,”눈치” là cách thức kẻ yếu theo dõi, phán đoán để làm đẹp lòng kẻ mạnh. Trong xã hội còn tồn tại sự phi lí, bất công và những nguyên lí, nguyên tắc nhiều khi vẫn chỉ nằm trên sách vở thì “눈치” trở thành một trong những bí quyết cần thiết để sinh tồn. Dù là rành rành phải chịu phạt 10 roi nhưng mức độ nặng nhẹ lại phụ thuộc vào thái độ của người trực tiếp thi hành án phạt. Lúc dâng đồ hối lộ cũng thế, nếu không biết xử lí khôn ngoan, đưa 10 nyang (đơn vị tiền tệ trong xã hội Hàn Quốc xưa) vào lúc cần phải dâng 100 nyang thì có khi lại chịu họa lớn hơn so với lúc ban đầu.
Văn hóa “đối nhân xử thế” được thể hiện rõ rệt trong hoạt động triều chính thời phong kiến. Mỗi khi dự thiết triều, các quan văn võ nhất thiết phải theo dõi và nắm bắt được tâm trạng của nhà vua. Nếu thấy vua đăm chiêu, bực tức thì khi tâu trình phải cẩn thận, tránh không nói thật, nói thẳng. Nếu thấy vua vui vẻ, dễ chịu thì lập tức không bỏ lỡ cơ hội cầu xin những việc khó khăn. Quan chức trong triều, nếu không có “눈치” để phán đoán ý đồ của nhà vua có thể rơi đầu hoặc mang vạ chu di tam tộc. Người đứng đầu một đất nước lại phải nhìn ra xung quanh, phán đoán ý đồ của các quốc gia hùng cường khác để bảo vệ cho vận mệnh của cả một dân tộc.
Lối tư duy “눈치” vẫn bám rễ và tồn tại trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Có thể thấy điểm chung giữa Hàn Quốc với Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác: sự khôn ngoan, khéo léo trong xử thế luôn được coi trọng hơn là năng lực phân tích logic. Dân đoán ý quan, nhân viên đoán ý sếp, sinh viên đoán ý giáo sư, đàn em (후배) đoán ý đàn anh (선배)… Cả một xã hội vận động dưới một mạch ngầm không quy ước, không được gọi thành tên nhưng ai ai cũng hiểu và nắm rõ quy luật vận động của nó.
Khác với văn hóa “눈치” của phương Đông, người Anh có văn hóa “common sense”, người Pháp có tinh thần “bon sens”. Hai từ này đều có nghĩa là “trí khôn, lương tri” - là sự phán đoán hành động hay thái độ của chủ thể có đúng hay đi ngược với tiêu chuẩn, ý thức chung. Trái lại, “눈치” không phát huy tác dụng khi đặt trong các nguyên tắc chung mà thể hiện “vai trò” của nó trong những trường hợp “bất hợp lý, phi nguyên tắc”. “눈치” không quan tâm tới các tiêu chuẩn, chủ thể chỉ dựa vào thái độ, tâm trạng của người đối diện để điều chỉnh hành động và thái độ của mình. Bởi vậy, ở các nước phương Tây dù là chỉ huy hay cấp dưới thì cũng đều phải tuân theo “lương tri”. Một người cấp trên ở các nước phương Tây sẽ tin và thừa nhận các ý kiến đa dạng của cấp dưới để đưa ra quyết định hợp lý nhất cho công việc. Còn ở Hàn Quốc, Việt Nam hay các nước châu Á khác thì việc mang “common sense” để đối đáp hoặc bày tỏ ý kiến trái ngược với cấp trên sẽ bị coi là ngông cuồng. Bởi thế, xã hội Châu Á không còn cách nào khác tự nó phải tìm đến “눈치” để giải quyết công việc sao cho mềm dẻo và linh động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer